Cấu tạo của hộp mực (cartridge) máy in laser đen trắng, một số lỗi thường gặp

by My Love

15/01/2020, 8:29 AM   |    15/01/2020, 8:29 AM   |    1.3K   |    0

        Bài này ta cùng tìm hiểu về cấu tạo hộp mực trong máy in laser đen trắng, việc nắm chắc được cấu tạo cũng như chức năng của từng bô phận là quan trọng trong việc xác định lỗi, thay thế linh kiện trong quá trình sử dụng.

I -  Cấu tạo của hộp mực (cartridge) máy in laser đen trắng


        Về cơ bản một hộp mực của máy in laser được cấu tạo bởi các thành phần sau:
- Khoang chứa trống và mực thải: bao gồm trống nhạy quang, gạt mực, trục cao su. Mực thải được giữ bởi khoang nhựa và nắp che của nó chính là gạt mực để ngăn không cho mực thải rơi vãi ra bên ngoài. 

- Khoang chứa mực: bao gồm trục cao su, gạt từ, và mực được đóng chung vào trong cùng một vỏ.

- Khi kết hợp khoang chứa trống và mực thải cùng với khoang chứa mực sẽ tạo thành một thể thống nhất và gọi là hộp mực.

 
Trống nhạy quang
Hộp mực hoàn chỉnh
 

II -  Các thành phần chính trong hộp mực

        Bầy giờ ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về từng bộ phận trong hộp mực:
A.Trống nhạy quang
        Trống (Drum) là bộ phần quan trọng của hộp mực, nó quyết định rất lớn đến chất lượng bản in. Do môi trường làm việc của trống thường xuyên tiếp xúc với các lịnh kiện khác nên trống rất dễ bị hư hỏng.

Cấu tạo: Trống nhạy quang được phủ một lớp vật liệu hữu cơ rất nhạy cảm đối với ánh sáng đặc biệt là ánh sáng laser. Nó có tác dụng làm hiển thị ảnh mực khi được chiếu sáng bởi tia laser trong quá trình tạo ảnh của máy in. Nếu để trống bị phơi sáng trong một thời gian dài có thể khiến cho hình ảnh bị mờ, hoặc không có hình ảnh trên trang giấy khi lắp hộp mực có trống bị phơi sáng vào trong máy in.

Lỗi thường gặp: 
+ Nếu để trống nhạy quang bị chiếu sáng trực tiếp bởi ánh sáng mặt trời sẽ dẫn đến hình ảnh trên bản in bị mờ hoặc không có.
+ Bản in có vệt dọc theo chiều dài trang có thể do trống bị xước
+ Trên mỗi bản in trống sẽ quay 4 vòng, vì thế khi thấy trên bản in có chấm lặp lại 4 lần thì do kiểm tra bề mặt trống.
+ Mực bị nhoè có thể do trống bị tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
 
Trống nhạy quang
Trống nhạy quan (Drum)

B. Trục cao su
Tác dụng của trục cao su nhằm làm trung hòa và xóa sạch ảnh điện còn xuất hiện trên bề mặt trống bằng cách tác động vào trống một mức điện áp âm một chiều.

Cấu tạo: Trục cao su hay còn được gọi là “trục sạc” là một trục cấu tạo bằng kim loại bên ngoài được bao phủ bởi lớp cao su có khả năng dẫn điện. Lớp cao su này cũng được chế tạo để không thể dính mực. Mức điện áp tích lên bề mặt trục cao su là điện áp âm khoảng âm 600 V hoặc cao hơn tùy theo từng loại máy in. Trục cao su thường ít hỏng hơn các bộ phận khác trong hộp mực. 

Khi trục cao su bị hỏng sẽ xuất hiện các hiện tượng như:
+ có hình ảnh ẩn của bản in trước xuất hiện trên giấy mặc dù người dùng không in hình ảnh đó. 
+ bề mặt giấy xuất hiện các vết lấm tấm như hiện tượng rắc cát. 
+ Bản in bị sạm đen, ngoài ra nếu bề mặt của lớp cao su bị lão hóa cũng sẽ dẫn đến việc mực bị dính vào trục cao su và gây hiện tượng trên bản in có vệt đen kéo dài theo chiều dọc hoặc loang lổ
 
Các thành phần của hộp mực
Các thành phần của hộp mực

C. Gạt mực (Gạt lớn )
Tác dụng: Gạt mực có tác dụng làm sạch mực dư thừa bám trên bề mặt trống cho lần in kế tiếp. Trong quá trình quay của trống, lưỡi gạt tiếp xúc lên bề mặt trống sẽ làm cho các hạt mực thừa còn bám trên trống rơi vào khoang chứa mực thải.

Cấu tạo : Gạt mực được cấu tạo bởi một tấm kim loại bên ngoài được gắn một lưỡi gạt làm bằng nhựa dẻo 

Lỗi hay gặp:
+ Bề mặt gạt bị mẻ, mòn, tiếp xúc không tốt với trống từ đó không gạt hết mực thừa có thể gây ra vệt dọc trang giấy

D. Trục từ
Tác dụng: Trục từ là một bộ phận rất quan trọng của hộp mực, nó có tác dụng cung cấp mực cho trống nhạy quang.

Cấu tạo: Lớp vỏ bên ngoài của trục từ được cấu tạo bởi hợp kim nhôm, được phủ một lớp chống dính mực. Lõi bên trong của trục từ là một thanh nam châm vĩnh cửu. Nam châm này có tác dụng hút các hat kim loại cực nhỏ lẫn trong thành phần của mực để tăng độ dẫn mực lên bề mặt của trục từ. Một đầu của trục từ được nối với một lò xo (lò xo cao áp), lò xo này có tác dụng dẫn một nguồn điện áp âm lên trên bề mặt của trục từ. Điện áp âm này sẽ làm thay đổi điện tích của hạt mực trên bề mặt trục từ. 

Lỗi thường gặp: 
- In ra bị đen toàn trang giấy, hoặc bị trắng toàn trang, lỗi này có thể do lò xo cao áp của trục từ, kiểm tra lại lò xo có bị cong hoặc gãy không.
- In ra bị đen loang lổ, hoặc in lúc mờ lúc rõ, kiểm tra có thể do tiếp điện của trục từ không ổn định.

E. Gạt từ ( gạt nhỏ )
Tác dụng: Giúp trục từ lấy được lượng mực vừa đủ để có một bản in đẹp. 

Lỗi thường gặp:
- Bản in bị mờ toàn trang
- In ra vệt đen hình vặn thừng


    Như vậy là ta đã tìm hiểu sơ qua về các cấu tạo của hộp mực máy in, trong sửa chữa máy in, khi gặp một lỗi cần phải có phân tích kĩ trong trường hợp cụ thể mới có thể xác định lỗi. Đồng thời bạn cũng cần nắm chắc cấu tạo và tác dụng của từng bộ phận để từ đó có thể loại trừ và xác định lỗi một cách chính xác.