Nguyên lý hoạt động của máy in Laser

by My Love

03/01/2020, 9:54 AM   |    03/01/2020, 9:54 AM   |    870   |    0

       Nếu bạn chỉ là người sử dụng thông thường, việc tìm hiểu về các nguyên lý hoạt động của máy in có vẻ là không cần thiết, tuy nhiên với các KTV hoặc bạn muốn có thể sửa chữa, thay thế các lỗi của máy in thì việc nắm được cách hoạt động cơ bản của máy in là cần thiết. Bài này ta cùng tìm hiểu về nguyên lý hoạt động của máy in Laser đen trắng, qua đó có thể suy luận để giải quyết một số lỗi cơ bản trong quá trình sử dụng máy in.
       Tóm tắt nhanh quá trình của một bản in như sau : Máy in sử dụng công nghệ laser để chiếu lên một trống từ, trống từ quay qua trục từ (có tính chất từ, lấy mục từ hộp mực) để mực hút vào trống, giấy chuyển động qua trống và mực từ đó được bám vào giấy, cuối cùng là sấy khô mực để mực bám chặt vào giấy trước khi ra ngoài. Bây giờ ta đi vào chi tiết :

1. Làm sạch mực bám trên bề mặt trống nhạy quang


        Trước khi một chu trình in mới có thể bắt đầu, trống nhạy quang phải được lau chùi và được xoá sạch điện tích tĩnh ở phiên làm việc trước đó. Việc làm này rất quan trọng, vì nếu không thực hiện bước này trống không thể tạo ra được một bản in có chất lượng. Một gạt mực được bố trí dọc theo chiều dài của trống sẽ gạt hết mực thừa còn lại từ bản in trước và thu vào một bộ phận chứa mực thải nằm trong hộp mực (hình 1). Nếu mực dư thừa không được lau sạch, nó có thể bám chặt vào các trang giấy in tiếp theo và xuất hiện như các vết đen ngẫu nhiên.
 

Hình 1


       Xoá sạch các điện tích tĩnh, các hình ảnh dạng âm bản đã được nạp trên bề mặt của trống còn lại bằng ru lô nạp sơ cấp (trục xạc, hay trục cao su). Ru lô nạp sơ cấp được cấu tạo bởi cao su có khả năng dẫn điện, một hiệu điện thế xoay chiều được cung cấp tới ru lô nạp sơ cấp để xoá bất kỳ điện tích tĩnh nào còn sót lại và duy trì cho bề mặt của trống luôn luôn ổn định để tạo ra một hình ảnh âm bản tiếp theo trên bề mặt của trống. Việc thiết lập mật độ in được thay đổi nhờ điểm tiếp xúc với điện áp một chiều. Sau khi được xoá tích điện bề mặt, trống trở nên trung hoà, nó không còn chứa một điện tích nào cả. 

2. Tích điện 


      Một bề mặt trống đã được trung hoà sẽ không nhận được tia sáng từ cơ chế ghi. Các ảnh mới sẽ không được ghi chừng nào trống chưa được tích điện trở lại. Nhằm mục đích chuẩn bị cho quá trình làm việc tiếp theo của trống, một điện tích đồng đều phải được tạo ra trên khắp bề mặt của nó. Sự nạp điện cho bề mặt trống được thực hiện bằng cách tác dụng một điện áp âm cực lớn thông qua một dây dẫn từ mạch tạo cao áp đưa tới tiếp điểm tiếp xúc cao áp của hộp mực. 
 

3. Ghi ảnh bằng Laser


       Để tạo ra một âm bản (hình ảnh ẩn) trên bề mặt của trống, trong suốt quá trình ghi ảnh, một đi ốt laser sẽ phóng tia sáng lên trên bề mặt của gương quét đang quay. Khi gương quét quay nó sẽ phản chiếu lại tia sáng mà nó nhận được thông qua những thấu kính hội tụ, đi qua một khe hở trên hộp mực và chiếu xuống bề mặt của trống nhạy quang. Tia sáng sẽ quét lên trống từ trái sang phải, phóng điện thế âm lên những nơi mà tia sáng đập vào bề mặt. Việc làm này tạo nên một ảnh âm bản tĩnh điện và sau đó nó sẽ được phát triển để trở thành một hình ảnh hữu hình. (Hình 2)
 

Hình 2 ( Nguồn internet)
 

4. Tạo ảnh


       Quá trình phát triển tạo cho hình ảnh âm bản tĩnh điện vô hình trở thành hình ảnh hữu hình trên trống. Khối phát triển (hay còn gọi là trục từ) được làm bởi một trụ bằng kim loại có từ tính giống như một nam châm vĩnh cửu và được bố trí bên trong khoang chứa mực. Mực là một loại vật chất ở dạng bột được tạo bởi chất dẻo tổng hợp mầu đen trộn lẫn với mạt sắt. Trục từ sẽ hút mực bám lên bề mặt của nó, một gạt mực được thiết kế để gạt đều mực bám trên bề mặt trục từ. Các hạt mực mang điện tích trái dấu sẽ bị thay đổi điện tích khi nó tiếp xúc với trục từ. Trục từ được nối với một nguồn cung cấp điện áp âm một chiều (đây chính là nguồn cao áp khoảng âm 500 V). Lúc này các điểm nào của trống không được chiếu sáng (không có tia laser chiếu vào) sẽ có điện áp âm rất mạnh, điện tích âm này đẩy mực nằm yên trên trục từ và mực theo đà quay của trục từ trở về khoang chứa mực. Các điểm nào của trống mà bị chiếu sáng sẽ có điện tích thấp hơn các hạt mực, sự khác biệt về mức độ tích điện đó sẽ hút mực từ trục từ lên các điểm được chiếu sáng tương ứng trên trống. Mực lúc này sẽ bám vào đúng hình ảnh tĩnh điện âm bản và sẽ tạo ra một hình ảnh có thể nhìn thấy được trên bề mặt của trống (gọi là ảnh mực). 
 

5. Truyền mực qua giấy


       Cho đến thời điểm này, mực đã được hút lên trống, nó phải được chuyển sang giấy bằng cách sử dụng một điện tích hút lớn hơn ở trên tờ giấy. Một ru lô truyền ảnh mực lên giấy (được làm bằng cao su xốp có khả năng dẫn điện) nằm ngang qua đường đi của giấy sẽ tạo ra một điện tích dương mạnh trên tờ giấy và điện tích này hút các hạt mực tích điện âm trên bề mặt trống nhạy quang.
 

6. Nung chảy mực


       Một khi hình ảnh được truyền qua mặt giấy, lúc này chúng mới chỉ bám vào tờ giấy bởi lực hấp dẫn và lực hút tĩnh điện yếu. Mực phải được cố đĩnh vĩnh viễn lên trang giấy (bằng cách nung chảy hạt mực bám dính lên trên tờ giấy) trước khi đưa giấy ra khỏi máy in. Sự nung chảy được thực hiện nhờ hệ thống nhiệt và áp suất. Giấy sẽ đi qua giữa một thanh nhiệt và trục cao su có khả năng chịu nhiệt, nhiệt độ và sức ép của 2 bộ phận này khi giấy đi qua sẽ làm mực in nóng chảy và dính chặt trên bề mặt của giấy.


      Như vậy ta đã tìm hiểu qua 6 bước của một quá trình in trong máy in Laser, để khắc phục được các sự cố bạn cũng cần nằm vững thêm về cấu tạo của hộp mực máy in sẽ được giới thiệu trong bài sau, chúc bạn thành công.